You are not connected. Please login or register

Chia sẻ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

admin

admin

Administrator

Bài gửiTiêu đề: Sự Khác biệt giữa hai tác giả bài thơ "Một thế kỷ mấy vần thơ" Sự Khác biệt giữa hai tác giả bài thơ "Một thế kỷ mấy vần thơ" Empty2/22/2012, 1:05 pm1


Xin hãy cùng tôi tham quan và nhận xét sự khác nhau của tác phẩm “Một thế kỷ mấy vần thơ” giữa 2 tác giả Truy Phong (Dương Tấn Huấn) và Mộng Bình Sơn (Phan Canh):


Một thế kỷ mấy vần thơ
TRUY PHONG


MỘT THẾ KỶ MỘT VẦN THƠ
MỘNG BÌNH SƠN

Ánh hồng chói rạng chân trời mới,
Ngọn lửa đao binh tắt lịm rồi.
Có kẻ chiều nay về cố quán
Âm thầm... không biết hận hay vui?!
Chiều nay
Kèn kêu tức tưởi nghẹn lời
Tiếng ngân xúc động dạ người viễn chinh!
Chiều nay trên nghĩa địa
Có một đoàn tinh binh
Cờ rủ và súng xếp
Cúi đầu và lặng thinh.
Nghẹn ngào giã biệt người thiên cổ
Đất lạ trời xa sớm bỏ mình
Thịt nát, xương tan, hồn thảm bạị
Ngàn năm ôm hận cõi u minh!
Những ai làm lính viễn chinh
Chiều nay bước xuống tàu binh trở về...
Tàu xúp lê!
Tàu xúp lê!
Cửa Hàm Tử lao xao sóng gợn,
Bến Bạch Đằng lởn vởn hồn quê
Bước đi những bước nặng nề,
Ngày đi chẳng biết, ngày về chẳng hay...
Một ngàn chín trăm năm sáu (1956)
Một ngàn tám trăm sáu hai (1862)
Giựt mình bấm đốt ngón tay
Trăm năm một giấc mộng dài hãi kinh!
Ngày anh đến đây:
Thành Đà Nẵng tan hoang vì đại bác
Xác anh hùng Đình Lý hóa tro bay.
Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác
Ôm quốc kỳ tuẫn tiết giữa trùng vây!
Phan Thanh Giản nuốt hờn pha thuốc độc
Bởi xâm lăng bắt nhượng nước non này
Và Thăng Long máu hòa ba lớp đất
Thất kinh thành, Hoàng Diệu ngã trên thây!...
Hỡi ơi! Xương máu dẫy đầy
Chân anh giẫm tới, đất này tóc tang!
Tay gươm, tay súng
Bước nghinh, bước ngang
Anh bắn!
Anh giết!
Anh đâm!
Anh vằm!
Anh đày Bà Rá, Côn Nôn
Anh đọa Sơn La, Lao Bảo
Anh đoạt hết cơm, hết áo
Anh giựt hết bạc, hết vàng...
Chặt đầu ông lão treo hàng thịt,
Mổ mật thanh niên giữa chiến tràng,
Cối quết trẻ thơ văng nát óc,
Phanh thây sản phụ, đốt thành than...
Con lìa mẹ
Vợ xa chồng
Cây rụi lá
Nhà trống không
Người chìm đáy biển
Người tấp ven sông
Người ngã trên núi
Người gục trong rừng...
Đây Cà Mau, đó Nam Quan
Thôi rồi mảnh đất Việt Nam ,
Hung hăng anh bóp trong bàn tay tanh!
Nước tôi đang độ yên vui sống
Mít ngát hương mùa, bưởi ngọt thanh
Lúa nặng tình quê, khoai luyến đất
Không thương nhau, lại giết nhau đành
Cắn răng tôi chịu cực hình
Vuốt râu, anh hưởng công linh đồng bào.
Anh phân ly Nam Bắc
Anh chia rẽ nghèo giàu.
Nước non anh quậy tan tành hết
Cho ớn hoàn nhau, giết lẫn nhau...
Người chết thì dại
Người sống thì ngu.
Dân ngu vì bị làm ngu
Đặng dân làm ngựa, làm trâu suốt đời...
Nhưng thôi!
Hận thù nhắc lại bao giờ dứt
Bút mực làm sao kể hết lời
Nhắc mãi, kể hoài thêm tủi nhục
Linh hồn thơm ngát Tổ tiên tôi.
Bao năm khói lửa
Ta hiểu nhau rồi
Cái gì bạn ngược và phi nghĩa
Là trái lòng dân, nghịch ý trời.
Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng được trái tim người!
Anh về là phải, anh ơi!
Về bây giờ để cho đời nhớ anh.
Những cái gì tôi hận
Những cái gì tôi khinh
Giờ đây anh xuống tàu binh
Trăm năm chuyện cũ, thôi mình bỏ qua!
Bao giờ tôi chẳng nhớ
Nước Pháp rộng bao la
Thành Paris rực rỡ
Ánh văn minh chói lòa...
Cốt "Đazua" (Côte d"Azur) người thanh cảnh lịch
Bờ Mạc xây (Marseille) xinh đẹp nhất sơn hà
Khí sông núi đúc nên trang tuấn kiệt
Bực anh hùng cứu quốc "Giốp" (Joffre), "Giăn Đa" (Jeanne d"Are)
Tôi nhớ lắm một ngày năm tám chín (1789)
Anh vùng lên phá ngục "Bát ti" (Bastille) nhà
Anh giải phóng cho giống nòi được sống
Được vinh quang trong "Đệ tứ cộng hòa"
Anh vui, anh sướng
Anh hát, anh ca...
Tôi là người ở phương xa
Ngày anh sáng lạn cùng hòa niềm vui!
Anh về nước Pháp xa xôi
Chắc anh bao giờ quên được
Những là đường đi nước bước
Những là tên tuổi Việt Nam :
Suối Yên Thế tuôn trào hậm hực
Đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng
Tháp Mười hận nước mênh mông
U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi.
Việt Nam , nước của tôi:
Sông sâu, đồng rộng
Trái tốt, hoa tươi...
Hà Nội kinh thành trang chiến sử
Sài Côn đô thị rạng anh tài
Phú Xuân bừng chói gương ưu quốc
Nghĩa nặng tình thâm vạn thuở nay!
Việt Nam , nước của tôi:
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai!
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm
Thì “giặc vào đây, chết ở đây”!
Việt Nam , nước của tôi:
Ruộng dâu hóa biển
Lòng chẳng đổi thay!
Dầu ai cắt đất chia hai
Cho trong đau khổ, cho ngoài
thở than
Dầu ai banh ruột, xé gan
Cho tim xa óc, cho nàng xa tôi
Thì anh hãy nhớ một lời:
“Ngày mai thống nhứt liền đôi bến bờ”...
Đã đến giờ
Chia tay cách biệt
Anh lìa nước Việt
Vừa tủi vừa mừng
Bên nhà vợ đợi con trông
Vắng anh, tình mặn nghĩa nồng cũng phai
Tàu xúp lê một!
Tàu xúp lê hai!!
Siết tay anh nhé, anh về nước
Biển lặng, trời êm nhớ lấy ngày.
Và chẳng bao giờ quên nhắc nhở
Cho ai đừng đến đọa đày ai!
Tự vấn lương tâm rồi tự đáp:
- Đánh cho ai và chết cho ai???
Bóng ngã trời tây
Gió lồng biển cả...
Phúy giây từ giã
Trang sử trăm năm!
Tàu anh rời bến Việt Nam
Hãy xuôi một ngã, một đàng mà đi!
Xin tàu đừng ghé Bắc Phi,
Sóng to gió lớn chắc gì đến nơi.
Đừng gây oan trái, tàu ơi!
Hãy xuôi về Pháp cho người hát ca...
Tàu xúp lê hai!!
Tàu xúp lê ba!!!
Anh về mạnh giỏi.
- Ô rờ voa! (aurevoir)

15-4-1956
------------------------
(Bài thơ dài 169 câu, viết về cuộc rút lui của quân đội viễn chinh Pháp khỏi đất nước VN, xác định chủ quyền độc lập thống nhất của Tổ quốc)
(Tặng quân đội viễn chinh Pháp về nước)
Ánh hồng chói lọi chân trời mới,
Ngọn lữa binh đao tắt lịm rồi.
Có kẻ chiều nay về cố quán,
Âm thầm không biết hận hay vui !

Chiều nay,
Kèn kêu tức tưởi nghẹn lời,
Tiêng ngân não nuột dạ người viễn chinh.

Chiều nay trên nghĩa địa,
Có một đoàn tinh binh
Cờ xủ và súng xếp,
Cúi đầu và lặng thinh !

Nghẹn ngào giả biệt người thiên cổ,
Đất lạ trời xa sớm bỏ mình.
Thịt nát xương tan, hồn thảm bại,
Ngàn năm ôm hận cõi u minh !

Hỡi ai là lính viễn chinh,
Chiều nay bước xuống tàu binh trở về.

Tàu siffler… Tàu siffler…
Bến Hàm Tử lao xao sóng dợn,
Sông Bạch Đằng lởn vởn hồn quê.
Bước đi những bước nặng nề,
Ngày đi chẳng biết, ngày về chẳng hay.

Năm 1956…Năm 1862
Giật mình bấm đốt ngón tay,
Trăm năm một giấc mộng dài hải kinh.

Ngày anh đến đây,
Cửa Đà Nẵng tan hoang vì đại bác,
Xác anh hùng, dinh lũy hóa tro bay.
Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác,
Ôm quốc kỳ tử tiết giữa trùng vây.
Phan Thanh Giản ngậm hờn pha thuốc độc,
Bởi xâm lăng bắt nhượng nước Nam nầy,
Và Thăng Long máu hòa ba thước đất,
Thất kinh thành Hoàng Diệu ngã trên thây !

Hỡi ơi, xương máu đã đầy,
Chân anh lại dẫm đất này tóc tang !
Tay gươm, tay súng,
Bước nghinh…bước ngang…
Anh bắn, anh giết,
Anh đâm, anh vằm,
Anh đày Bà Ná, Côn Lôn,
Anh đọa Sơn La, Lao Bảo,
Anh giật hết cơm, hết áo,
Anh đoạt hết bạc, hết vàng.
Chặt đầu ông lão treo hàng thịt,
Mỗ mật thanh niên giữa chiến trường.
Cối quết trẻ thơ văng máu óc,
Phanh thai sản phụ ném vào than !

Con xa mẹ, vợ xa chồng,
Cây hết trái, nhà trống không.
Người chìm đáy biển,
Người tấp ven sông,
Người ngã bên rừng, người gục bên suối.
Đây Cà Mau, đó Nam Quan…
Thôi rồi, giải đất Việt Nam ,
Hung hăng anh bóp trong bàn tay anh !

Nước tôi đang độ yên vui sống,
Mít ngát hương mùa, bưởi ngọt thanh.
Lúa nặng tình quê, khoai mến đất,
Không thương sao nỡ giết nhau đành !
Cắn răng tôi chịu cực hình,
Vênh râu anh hưởng công trình của tôi.

Nhưng thôi,
Hận thù nhắc mãi bao giờ dứt,
Bút mực làm sao kể hết lời.
Nhắc mãi, kể hoài thêm tủi nhục,
Hương hồn thơm ngát tổ tiên tôi.
Mấy năm khói lữa,
Ta hiểu nhau rồi.
Cái gì bạo ngược là phi nghĩa,
Là trái lòng dân, nghịch ý trời.
Sắt thép tinh ròng, binh tướng mạnh,
Không sao thắng được trái tim người.

Anh về là phải anh ơi !
Về bây giờ để cho đời nhớ anh !
Những cái gì tôi hận,
Những cái gì tôi khinh.
Giờ đây anh xuống tàu binh,
Trăm năm chuyện cũ, thôi mình bỏ qua.

Bao giờ tôi cũng nhớ
Nước Pháp rộng bao la,
Thành Paris rực rỡ,
Ánh văn minh chói lòa.
Côte đ’Ayure người thanh cảnh lịch,
Bờ Marseille xinh đẹp nhất sơn hà.
Khí sông núi đúc thành trang tuấn kiệt,
Vị anh hùng cứu nước Job. Jane đ’Arc
Tôi nhớ lắm ! Năm 1789
Anh đứng lên phá ngục Bastille nhà,
giải phóng cho giống dòng được sống,
Được vinh quang trên Đệ tứ Cộng hòa.
Anh vui, anh sướng,anh hát, anh ca,
Tôi là người ở phương xa,
Ngày anh sáng lạn cũng hòa niềm vui.

Anh về nước Pháp xa xôi,
Chắc không bao giờ quên được
Những là đường đi nét bước,
Những là tên tuổi Việt Nam .
Suối Yên Thế tuôn tràn hậm hực,
Đất Thái Nguyên căm tức nổi vồng,
Tháp Mười hận nước mênh mông,
U Minh mấy trận bão lòng chưa nguôi.

Việt Nam , nước của tôi,
Cây cao, đồng rộng, trái ngọt hoa tươi.
Hà Nội kinh thành trang chiến sử,
Sài Côn Đô thị rạng anh tài.
Phú Xuân lừng chói gương ái quốc,
Nghĩa nặng tình thâm vạn thuở nay !

Việt Nam , nước của tôi,
Già như trẻ, gái như trai,
Chết thời chịu chết, không cúi luồn ai,
Xâm lăng ai muốn vô đây chiếm,
Thì giặc vào đây chết ở đây.
Dù ai cắt nước chia hai,
Cho trong than thở, cho ngoài thở than.
ai phanh ruột xé gan,
Cho tim xa óc, cho nàng xa tôi.
Thì anh hãy nhớ lấy lời,
Ngày mai thống nhất liền đôi bến bờ.

Thôi, đã đến giờ chia tay cách biệt,
Anh rời nước Việt vừa tủi vừa mừng,
Quê nhà vợ đợi, con trông,
Vắng anh tình mặn nghĩa nồng cũng phai.

Tàu siffler một… Tàu siffler hai…
Bắt tay anh nhé, anh về nước
Biển lặng trời yên nhớ lấy ngày.
Thề chẳng bao giờ quên chiến đấu
Cho ai đừng đến đọa đày ai.

Bóng ngã trời tây,
Gió lồng bể cả.
Phút giây từ giả, trang sử trăm năm.
Tiễn anh rời bến Việt Nam ,
Hãy xuôi một nẻo, một đường mà đi.
Xin tàu đừng ghé Bắc Phi,
Sóng to gió cả chắc gì đến nơi.
Đừng oan trái nữa tàu ơi !
Hãy đưa về nước cho người hát ca.

Tàu siffler hai… Tàu siffler ba…
Anh về mạnh giỏi.
AUREVOIR…

Năm 1956










Trên đây là bài thơ đầy đủ, tôi cóp từ trang: http://vietbao.vn/Van-hoa/Tham-tinh-tu-may-van-tho/40077821/105/….Không biết có chính xác theo bản gốc của tác giả Truy Phong hay không ? bài viết này tôi không đề cập đến sự khác biệt mang tính chi tiết nhỏ giữa 2 tác phẩm để so sánh, ví dụ như những từ đồng nghĩa, na ná có nghĩa như nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp cần phải thật sự cân, đo, đong, đếm …mới tìm thấy được giá trị đích thực của nó trong câu thơ. Vì đối với thơ, chọn được một từ thích hợp đặc vào một vị trí đắc địa có thể nâng câu thơ lên tầm tuyệt đỉnh.

Nhìn hình thức tổng thể của 2 bài thơ, có sự khác biệt nhau rõ rệt đó là Mộng Bình Sơn chia bài thơ ra thành nhiều khổ thơ, tùy theo nội dung của từng khổ, có nhiều hoặc ít câu thơ không theo số lượng định sẵn. Với một bài thơ dài hơn 100 câu nếu không ngắt đoạn, e rằng người đọc có thể đứt hơi. Trong một bài thơ, bài văn nào cũng vậy, ít nhất cũng có thể phân ra làm 3 đoạn thể hiện rạch ròi 3 phần: Đề, thân và kết.
Đây là bài thơ mà tác giả là chủ thể (Tôi) mang rất nhiều tâm sự, tâm trạng chia tay với những người lính viễn chinh Pháp đang lên tàu về nước, Mộng Bình Sơn đã nói với người Pháp bằng chính tiếng pháp:
“- Côte đ’Ayure Người thanh cảnh lịch
- Bờ Marseille xinh đẹp nhất hơn hà
- Vị anh hùng cứu nước Jop. Jane đ’Arc”
- AUREVOU…”
Hoặc nói rạch ròi bằng những con số số học mà người Pháp nhìn là biết, không cần phải đánh vần từng chữ:
“Năm 1956…năm 1862”
Câu thơ này không phải nói đến thời điểm năm tháng người Pháp đến và người Pháp đi mà đây là câu thơ thể hiện một phép tính trừ từ lúc người Pháp đi lùi lại lúc người Pháp đến là: 1956-1862. Nên mới có 2 câu thơ tiếp theo:
“Giật mình bấm đốt ngón tay
Trăm năm một giấc mộng dài hải kinh !”
Ba dấu chấm (…) trong câu thơ trên, không chỉ đơn thuần là những dấu chấm; về mặt hình ảnh, nó gợi cho ta nhìn thấy được một phép tính và bản thân nó chuyển tải được khỏang thời gian và không gian của một thời kỳ lịch sử từ khi người Pháp có mặt.
Hãy đọc câu thơ này qua cách diễn đạt của tác giả Truy Phong, sẽ thấy sự rối tung trong mắt, mặc dù có chú thích những con số trong dấu ngoặc nhưng thiếu đi chữ NĂM, không phải ai đọc cũng có thể biết đó là thời điểm của năm tháng.
“Một ngàn chín trăm năm sáu (1956)
Một ngàn tám trăm sáu hai (1862)”
Bên cạnh sự khác biệt về sử dụng ngôn ngữ đối thoại bằng tiếng Pháp mà không sử dụng tiếng Việt phiên âm như tác phẩm của Truy Phong, về bút pháp, Mộng Bình Sơn đã rất khéo léo đến mức tài tình khi đặt câu:
“Tàu Siffler…tàu Siffler…”
Đây là một câu thơ vận dụng đúng theo cú pháp tiếng việt, Những dấu chấm lững gợi cho ta thấy được hình ảnh của nhiều con tàu, và hình ảnh của tác giả lặng đếm số lượng những con tàu binh sẽ chở những người lính viễn chinh Pháp về nước, đang đậu trên bến Hàm Tử, sông Bạch Đằng.
Nhưng khi câu thơ là:
“Tàu xúp lê !
Tàu xúp lê !”
Ta lại nghe tiếng gọi con tàu bằng một giọng buồn não! Ai gọi con tàu ? tác giả ư !? tác giả đâu phải là người ra đi ! Vậy, những người lính Pháp ư ? Những người lính Pháp đang:
“Bước đi những bước nặng nề
Ngày đi chẳng biết, ngày về chẳng hay…”
Cứ thế họ cuối gầm mặt mà đi như một cái xác không hồn, chắc gì đã biết đấy là bến tàu thì còn lòng dạ đâu mà gọi tàu nữa chứ!
Đây mới chỉ là cái nhìn lướt qua tổng thể về cách bài trí, bố cục, phối cảnh của một ngôi vườn; mà bất cứ ai vào tới cửa cũng sẽ nhìn thấy. bây giờ chúng ta sẽ lần lượt ngắm nghía từng cây cảnh, từng chậu hoa, từng nét cắt tỉa…chắc chắn chủ nhân thật sự của ngôi vườn này là một trong 2 tác giả có đôi mắt tinh tế, đôi tay nghệ thuật và một tầm hồn phóng khoáng hơn hẵn người kia.
Ai cũng từng biết: Tình và cảnh luôn có sợi dây gắn kết với nhau. Tình là chủ thể có thể làm chi phối cảnh vật chung quanh, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Cũng tiếng kèn ấy, cũng âm thanh ấy như mọi ngày, như mọi lần. Nhưng sao, chiều nay nó lại kêu lên nghẹn ngào, tức tưởi ?. Trong tình cảnh của những người lính viễn chinh đang rũ rượi về nước ấy là cả một trời bi đát đầy ô nhục; bởi vì họ được mệnh danh là “Mẫu quốc”, là “Tinh binh” lẽ ra họ phải được đưa tiễn bằng những phát đại bát rung trời mừng chiến thắng; nhưng oái oăm thay ! Họ là kẻ bại trận, Họ là những người may mắn được sống sót trở về:
“Chiều nay nghẹn ngào trên nghĩa địa
………………………………………….
Nghẹn ngào giả biệt người thiên cổ,
Đất lạ trời xa sớm bỏ mình.
Thịt nát xương tan, hồn thảm bại,
Ngàn năm ôm hận cõi u minh !”
Trong hoàn cảnh này, ta sẽ nhận ra rằng chính sự
“…não nuột dạ người viễn chinh” mới là nguyên nhân chính để tác giả có cảm giác tiếng kèn như “… kêu tức tưởi nghẹn lời”. Làm sao với tình cảnh đó, với tiếng kèn tàu chát chúa ấy mà làm “Xúc động” lòng người như bản thơ của Truy Phong ?!
Chen giữa 2 khổ thơ “ngàn năm ôm hận cõi u minh !” và “Tàu shifler…”tác giả Mộng Bình Sơn đã có dụng ý sắp đặt 2 câu chắn ngang riêng lẻ, như là một tiếng loa kêu gọi, hối thúc…đánh thức dòng suy tư bất ổn và bước chân nặng nề của những người đang bước xuống bến tàu :
“Hỡi ai là lính viễn chinh,
Chiều nay bước xuống tàu binh trở về.”
Trong bản thơ của Mộng Bình Sơn viết:
“Cửa Đà Nẵng tan hoang vì đại bác
Xác anh hùng, dinh lũy hóa tro bay.”.
Còn bản của Truy Phong thay vì từ “dinh lũy” là từ “Đình Lý”. Hai từ này về mặt hình thức chữ viết tay (viết thảo) gần giống nhau, dễ nhận nhầm; có thể suy luận một trong 2 tác giả là người “đạo thơ” vì đã nhìn nhầm và hiểu nhầm từ này sang từ nọ, nên mới có sự khác biệt về ý nghĩa quá rõ rệt này.
Hãy thử đọc đoạn thơ của 2 tác giả:


Một thế kỷ mấy vần thơ
TRUY PHONG
MỘT THẾ KỶ MỘT VẦN THƠ
MỘNG BÌNH SƠN
Ngày anh đến đây:
ThànhĐà Nẵng tan hoang vì đại bác
Xác anh hùngĐình Lýhóa tro bay.
Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác
Ôm quốc kỳtuẫntiết giữa trùng vây!
Phan Thanh Giảnnuốthờn pha thuốc độc
Bởi xâm lăng bắt nhượng nướcnonnày
Và Thăng Long máu hòa balớpđất
Thất kinh thành, Hoàng Diệu ngã trên thây!...

Ngày anh đến đây,
CửaĐà Nẵng tan hoang vì đại bác,
Xác anh hùng,dinh lũyhóa tro bay.
Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác,
Ôm quốc kỳtửtiết giữa trùng vây.
Phan Thanh Giảnngậmhờn pha thuốc độc,
Bởi xâm lăng bắt nhượng nướcNamnầy,
Và Thăng Long máu hòa bathướcđất,
Thất kinh thành Hoàng Diệu ngã trên thây !

Ở đoạn thơ của Mộng Bình Sơn ta dễ dàng phân ra tách bạch, cứ 2 câu thành một vế bổ sung ý nghĩa cho nhau. 2 câu đầu tả về cảnh tan hoang của Đà Nẵng, trong đó có sự đổ nát của dinh lũy và sự chết chóc của những anh hùng; 2 câu tiếp theo tả về Duy Ninh, rồi đến 2 câu về Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, ở đoạn thơ của Truy Phong, chỉ có 2 câu đầu là 2 vế tách biệt;
“dinh lũy hóa tro bay” ai cũng có thể hiểu được .Vậy “Đình Lý hóa tro bay” thì sao ?[size=21] Đình Lý tức Lê Đình Lý - 黎廷理 (1790-1858) người huyện Phù Mỹ, Bình Định; là danh tướng thời nhà Nguyễn, trong một trận chiến đấu chống quân xâm lược Pháp ở Cẩm Lệ (Đà Nẵng) ông bị trúng đạn và được đưa về quê nhà chữa trị, nhưng vài ngày thì mất, thọ 68 tuổi. Theo:http://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Đình_Lý Như vậy, không có chuyện “Xác anh hùng Đình Lý hóa tro bay” như tác giả Truy Phong đã viết !
Dừng lại một tí ! Với một bông hoa tuyệt vời sau đây :
“Cối quết trẻ thơ văng máu óc
Phanh thai sản phụ ném vào than !”
Tôi miễn không bàn đến từ “văng máu óc” hay “văng nát óc” có lẽ ai cũng hiểu rằng với “Óc” thì “nát” rồi mới “văng” được; còn văng cả máu và óc thì hợp lý quá rồi. Nhưng với câu thơ dưới “Phanh thai sản phụ ném vào than !” thì từ “thai” của Mộng Bình Sơn tuyệt vời vô cùng, phải nói là “đỉnh” của sự đắc địa. Nguyễn Bính có câu thơ:
“Lấy thân làm bức trường thành cho con”, không biết do nhầm lẫn từ khâu nào mà khi in ra sách đã thành “Lấy thân làm bức trường thànhche con” Từ “che” này đã làm cho Nguyễn Bính ngỡ ngàng như bắt được vàng, khen là quá tài tình, tài tình hơn cả chính nhà thơ đích thực.
Đã nói về “sản phụ” nghĩa là nói về “thai”, nếu không thế thì dùng từ “sản phụ” cũng vô nghĩa mà thôi. Tại sao không là thiếu phụ, không là góa phụ mà là “sản phụ” ?
Về đối tượng và hình ảnh của 2 câu thơ cũng hoàn toàn khác biệt nhau: một đằng là thây sản phụ đốt thành than và một đằng là thai sản phụ ném vào than. ở câu thơ của Mộng Bình Sơn đã bóc trần được sự tàn ác, dã man đến vô cùng, vô độ của giặc pháp; và hình ảnh rạch bụng sản phụ lấy thai nhi ném vào than lữa cũng làm cho người ta thấy rùng mình, ghê rợn.
Như đã nói ở phần trên, đây là bài thơ mà tác giả đối thoại trực tiếp với những người lính viễn chinh Pháp. Vì vậy ngôn ngữ sử dụng cũng phải phù hợp cho đối tượng cụ thể: Tôi- Người dân Việt/anh- người lính Pháp: “cắn răng tôi chịu cực hình,
Vuốt râu anh hưởng công linh đồng bào.”. Người Pháp không hề biết “Đồng bào” là gì. Đồng bào là một danh từ riêng chỉ nhóm cộng đồng các dân tộc Việt, xuất phát từ truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ và chỉ có người Việt với người Việt mới sử dụng từ này mà thôi. Cho nên“Vênh râu anh hưởng công trình của tôi” là một câu khẳng định quyền sở hữu của người Việt đã bị giặc Pháp tước đoạt và vênh vang hưởng thụ .
Sau câu thơ này, bản thơ của tác giả Truy Phong có thêm một đoạn 8 câu so với bản thơ của Mộng Bình Sơn.
“Anh phân ly Nam Bắc
Anh chia rẽ nghèo giàu.
Nước non anh quậy tan tành hết
Cho ớn hoàn nhau, giết lẫn nhau...
Người chết thì dại
Người sống thì ngu.
Dân ngu vì bị làm ngu
Đặng dân làm ngựa, làm trâu suốt đời...”
ý tứ không có gì khác, những gì gọi là tàn bạo, độc ác, tang tóc, đau thương…ở phần trên, bài thơ cũng đã thể hiện đầy đủ và rất súc tích. Đoạn thơ này giống như một mãnh vá vụng về trên một chiếc áo đẹp còn nguyên vẹn; chẳng có điểm nào gắn kết mật thiết với bài thơ cả; từ ngữ nghèo nàn, ý tứ non nớt: “Nước non anh quậy tan tành hết”
“dân ngu vì bị làm ngu
đặng dân làm ngựa, làm trâu suốt đời…”
…tưởng chừng như lời thơ của một người mới tập tễnh:

Tiếp theo cũng còn một đoạn thơ khác dài hơn 3 câu:“Việt Nam , nước của tôi:
Ruộng dâu hóa biển
Lòng chẳng đổi thay!
Cả 3 câu này đều thừa thải giống như 8 câu trước. Nếu bỏ đi những câu thơ này, chẳng những không có gì ảnh hưởng đến thần thái của cả bài thơ mà còn có thể ví như đã bỏ được cái “tì vết” của một viên ngọc quý vậy.
Cũng lại là một câu chấm lững nữa nói về tàu Siffler, nhưng đây mới thật sự là câu đếm, đếm những con tàu đã chất đầy lính viễn chinh. Tàu siffler một, tàu siffler hai, và tàu siffler ba, bốn…được thể hiện bằng những dấu chấm lững tiếp theo. Nhưng ở bản thơ của Truy Phong thể hiện rất cụ thể trên bến Hàm Tử chỉ có 2 con tàu.
Nên “Bắt tay” hay “Siết tay anh nhé, anh về nước” ?. Mối quan hệ giữa nhà thơ và những người lính viễn chinh Pháp, trước sau như một chỉ là mối quan hệ của người bản xứ bị mất nước và những kẻ cướp nước sau khi chiến tranh kết thúc. Cái nắm tay kia thể hiện sự xí xóa hận thù trên phương diện vừa tình cảm vừa ngoại giao. Từ “Siết tay” là một từ chỉ sử dụng cho các mối quan hệ thân thiết, thâm tình; sử dụng trong tình huống trên là không hợp lý.

( còn nữa)

admin

admin

Administrator

Bài gửiTiêu đề: Re: Sự Khác biệt giữa hai tác giả bài thơ "Một thế kỷ mấy vần thơ" Sự Khác biệt giữa hai tác giả bài thơ "Một thế kỷ mấy vần thơ" Empty2/22/2012, 1:14 pm2


Nguồn gốc: http://vn.360plus.yahoo.com/thubas/article?mid=5
và: http://vn.360plus.yahoo.com/thubas/article?mid=1&prev=5&next=-1

Blog của cô Thu Ba, con gái duy nhất của ông Giáo (Mộng Bình Sơn)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
  • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất